Top 9 lễ hội mùa hè Nhật Bản hấp dẫn bạn nhất định phải trải nghiệm
Tháng 6, tháng 7 về, khi nhiệt độ và độ ẩm tăng lên đều đặn và mùa hè trở nên sôi động hơn, đây cũng chính là thời gian tuyệt vời để bạn có được kỳ nghỉ khó quên tại Nhật Bản. Tháng 6, tháng 7 cũng chính là mùa của những lễ hội truyền thống lớn tại xứ sở Phù Tang rực rỡ này. Mùa hè Nhật Bản, luôn hấp dẫn du khách bởi 9 lễ hội hấp dẫn nhất để du khách có những trải nghiệm tuyệt vời.
Nền văn hóa Nhật Bản vô cùng đặc sắc với những lễ hội truyền thống lâu đời được lưu giữ từ ngàn đời nay. Mỗi tháng tại Nhật đều có rất nhiều dịp lễ hội và thường kéo dài trong nhiều ngày. Dưới đây là những lễ hội đặc sắc nhất tháng 6 và tháng 7 khi du lịch Nhật Bản, cùng khám phá nhé!
1. Lễ hội Nhật Bản diễn ra vào tháng 6
1.1. Lễ hội Enshu Hamakita Hiryu
- Địa điểm: Thành phố Hamamatsu, Nhật Bản
- Thời gian: Thứ 7 và chủ nhật đầu tiên của tháng 6 hằng năm
Lễ hội Enshu Hamakita Hiryu nhằm tôn vinh thần Ryujin – vị thần cai quản dòng sông Tenryu ở Hamamatsu. Diễn ra vào thứ 7 và chủ nhật đầu tiên của tháng 6. Lễ hội này có nhiều hoạt động thú vị như: Hội thả diều Hamakita (Hamakita Takoage): Lễ hội diễn ra để ăn mừng sự ra đời của đứa trẻ đầu tiên trong gia đình và huyện của người Nhật. Con diều của bạn bay càng cao thì càng mang đến nhiều may mắn cho đứa trẻ đó. Ngoài ra còn có những hoạt động khác như: Lễ diễu hành cùng đầu rồng phun lửa (lễ hội lửa Hiryu), lễ biểu diễn trống Nhật Bản (taiko).
1.2. Lễ hội Yosakoi Soran, Hokkaido
- Địa điểm: Thành phố Hokkaido, Nhật Bản
- Thời gian: ngày 9 - 12/06 hằng năm
Du lịch Nhật Bản khám phá Hokkaido thì bạn chắc chắn không thể bỏ qua lễ hội Yosakoi Soran Matsuri được tổ chức ở thành phố Sapporo vào đầu tháng 6 hàng năm. Người dân Nhật Bản luôn cho rằng nếu lễ hội tuyết Sapporo là lễ hội lớn nhất vào mùa đông thì YOSAKOI Soran chắc chắn là lễ hội mùa hè lớn nhất ở Hokkaido. Thực chất YOSAKOI Soran là một cuộc diễu hành nhảy múa sôi động, nơi các vũ công khoác lên mình những chiếc áo khoác Yukata hoặc Happi. Đây có lẽ là lễ hội mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, bởi đây là một sự kiện được kế thừa và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
1.3. Lễ hội Sanno, Tokyo
- Địa điểm: Tokyo, Nhật Bản
- Thời gian: 7-17/6 năm chẵn
Lễ hội Sanno diễn ra vào giữa tháng 6 trong suốt hơn một tuần lễ, từ ngày 7 đến ngày 17. Sanno hội tụ nhiều sự kiện với hoạt động nổi bật nhất là buổi lễ diễu hành quy mô hoành tráng diễn ra vào một ngày cuối tuần trong thời gian diễn ra lễ hội. Đây được xem là cuộc diễu hành quy mô của toàn thành phố Tokyo.
Đoàn diễu hành của Sanno có sự tham gia của khoảng 300 người. Họ khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống từ thời Edo, mang theo đền thờ di động mikoshi được trang hoàng lộng lẫy và bắt đầu cuộc diễu hành gần 20km trong suốt hơn 10 giờ đồng hồ. Trong quan niệm của người Nhật, mikoshi là để chở linh hồn các Shinto. Lễ hội là dịp để người dân Nhật Bản tưởng nhớ công lao của thần đạo Shinto.
Đám rước rời đền Hie, nơi thờ thần đạo Shinto để diễu hành khắp quận Chiyoda của Tokyo, sau đó dừng lại tại Cung điện Hoàng gia Tokyo vào đúng giữa trưa để các chủ lễ vào hoàng cung cầu nguyện cho hoàng đế và hoàng gia. Sau đó trở về đền Hie trước 5 giờ chiều. Mặc dù lễ hội Sanno không còn được hoành tráng như ở thời Edo, nhưng nó vẫn chứa đựng cái nhìn sâu sắc về lịch sử của Nhật Bản và rất đáng để chiêm ngưỡng.
1.4. Lễ hội trồng lúa Otaue, Osaka
- Địa điểm: Osaka, Nhật Bản
- Thời gian: 14/6 hằng năm
Lễ hội trồng lúa Otaue là một trong những lễ hội Thần đạo cổ xưa nổi tiếng nhất ở vùng Kansai của Nhật Bản để cầu mong một vụ mùa bội thu. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 211 và đã diễn ra thường niên. Hiện nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 14/6 trong khuôn viên của đền Sumiyoshi Taisha, phường Sumiyoshi của Osaka.
Otaue trong tiếng Nhật có nghĩa là “cấy lúa”. Lễ hội Otaue tái hiện lại chân thực nhất nghi thức cấy lúa cổ xưa đã tồn tại trong văn hóa của người Nhật hàng nghìn năm.
Lễ hội bắt đầu với những chú bò sẽ kéo lưỡi cày gỗ canh tác trên những cánh đồng.
Sau đó, các thần chủ sẽ thực hiện nghi lễ thanh tẩy và phân phát cây giống cho những người tham gia lễ hội trong trang phục truyền thống gieo trồng.
Điểm nổi bật của lễ hội là các nghi lễ Thần đạo cổ đại và các màn biểu diễn khiêu vũ ngoạn mục và các bài hát truyền thống. Lúc này, người nông dân sẽ vừa cấy lúa và vừa hát vang cho đến khi họ cấy hết đồng lúa.
2. Lễ hội Nhật Bản diễn ra vào tháng 7
2.1. Lễ hội đèn lồng Obon
- Địa điểm: Tokyo, Yokohama, Tohoku, phía Bắc vùng Kanto, Chugoku, Shikoku và Okinawa
- Thời gian: 7/7 hằng năm
Obon là một trong ba kỳ nghỉ lễ dài nhất ở Nhật Bản, diễn ra vào tháng 8. Cùng với nguồn gốc của Lễ Vu Lan, người Nhật cũng tổ chức Obon để bày tỏ sự biết ơn với bậc sinh thành và tổ tiên. Ở một số nơi như Tokyo, Yokohama, Tohoku, phía Bắc vùng Kanto, Chugoku, Shikoku và Okinawa sẽ diễn ra vào ngày 7/7. Ngày lễ chính là 15 nhưng người Nhật sẽ bắt đầu lễ hội từ trước đó 3 ngày.
Vào ngày cuối của lễ hội, người Nhật sẽ thả đèn lồng với những ngọn nến đang cháy bên trong theo dòng sông với ý nghĩa tiễn đưa các linh hồn về lại bên kia thế giới. Pháo hoa cũng sẽ được bắn tại các địa phương, trở thành một nét truyền thống trong mùa lễ để hoàn tất nghi thức tiễn đưa.
Lễ Obon là dịp để các gia đình đón linh hồn tổ tiên, ông bà về thăm gia đình. Vào ngày bắt đầu và kết thúc của lễ Obon, được xem là ngày đón và tiễn linh hồn ông bà, các gia đình sẽ đốt lửa để các linh hồn theo ánh sáng tìm về nhà với con cháu. Một số gia đình dùng đèn lồng treo trước cửa nhà tượng trưng cho ngọn lửa.
Vì vậy khi du lịch Nhật Bản vào tháng 7 bạn cũng sẽ có thể tham gia vào lễ hội Obon ý nghĩa này.
2.2. Lễ hội Gion (diễn ra từ 01/07 đến 31/07)
- Địa điểm: Kyoto, Nhật Bản
- Thời gian: 01/07 đến 31/07 hằng năm
Vì được tổ chức trong suốt một tháng nên lễ hội Gion có rất nhiều hoạt động phong phú với sự đầu tư công phu và hoành tráng khiến cho những khách du lịch tới đây không hề cảm thấy nhàm chán mà luôn có một cảm giác mới mẻ từng ngày.
Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể ra trong tháng lễ hội Gion đó là lễ diễu hành Yamaboko Yunko, Omukae-Chochin – nghi lễ đám rước được tổ chức để chào đón các Mikoshi, nghi thức thanh tẩy Mikoshi-Arai, lễ dựng kiệu Hoko và Yama, lễ kéo thử kiệu Gion Bayashi, Yoiyoi Yoiyama (14/07), Yoiyoiyama (15/07), Yoiyama (16/07), biểu diễn kịch Kyogen, nghi thức cắt dây, múa trừ tà Iwami Kagura, triển lãm các bảo vật gia truyền của người dân địa phương …
2.3. Lễ hội Tenjin Matsuri (diễn ra vào 24, 25/7)
- Địa điểm: Osaka, Nhật Bản
- Thời gian: 24,25/07 hằng năm
Vào ngày 24 và 25 tháng 7 hàng năm là thời điểm lễ hội Tenjin được tổ chức và tiến hành và được biết lễ hội Tenjin được tổ chức lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 10. Ngày chính của sự kiện diễn ra vào ngày 25 với lễ rước trên đất liền cùng lễ rước trên sông đi kèm với màn biểu diễn pháo hoa.
Lễ hội sẽ có các hoạt động thú vị như diễu hành trên mặt đất, diễu hành trên sông cùng với bắn pháo hoa. Những người dân coi đây là một dịp để tận hưởng không khí sôi nổi trong những ngày hè với những bộ trang phục truyền thống và bầu không khí cực tưng bừng.
2.4. Lễ hội pháo hoa sông Sumida
- Địa điểm: Tokyo
- Thời gian: thứ 7 cuối cùng của tháng 7
Lễ hội Sumidagawa được tổ chức bên bờ sông Sumida ở Tokyo vào thứ 7 cuối cùng của tháng 7 hàng năm. Mỗi năm lễ hội Sumidagawa thu hút khoảng hơn một triệu lượt người từ khắp đất nước và quốc tế đến xem và tham quan. Đây là dịp để mọi người cùng nhau nhìn ngắm những màn trình diễn sắc màu đầy huyền ảo trên bầu trời Nhật Bản, tổ chức ăn uống, tụ tập cùng bạn bè, gia đình bên bờ sông Sumida.
2.5. Lễ Hội Tanabata - Lễ Thất Tịch
- Địa điểm: Hầu hết đất nước Nhật Bản
- Thời gian: 7/7 hằng năm
Được biết đến là một lễ hội đẹp và lãng mạn nhất trong các lễ hội ở Nhật Bản, Tanabata là ngày lễ Thất tịch ở xứ sở Phù tang. Được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 dương lịch hàng năm tại Nhật, lễ hội Tanabata còn có nhiều tên khác như lễ thất tịch hay lễ ngắm sao. Lễ hội này có nguồn gốc khá giống với lễ hội Ngưu Lang Chức Nữ của Trung Quốc.
Vào những ngày này, người ta thường viết những lời cầu nguyện vào một mảnh giấy nhỏ và sau đó treo chúng lên cành tre, có lúc kèm theo những đồ trang trí. Cây tre và đồ trang trí thường được đưa lên thuyền trôi nổi trên mặt sông hoặc là đốt đi sau khi kết thúc. Màu sắc chủ đạo để trang trí phải làm theo thuyết ngũ hành, nghĩa là gồm 5 màu xanh lục, hồng, vàng, trắng, đen. Ngoài ra nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm thấy ý trung nhân.
3. Một số lưu ý khi đi du lịch Nhật Bản
- Ngôn ngữ: Tiếng Nhật và tiếng Anh là hai ngôn ngữ được du khách trên khắp thế giới sử dụng phổ biến ở Nhật. Nếu bạn chưa tìm hiểu hai ngôn ngữ này, bạn có thể sử dụng một số ứng dụng công nghệ hỗ trợ phiên dịch để thuận tiện trong quá trình giao tiếp. Ngoài ra, bạn cũng có thể học nhanh một số câu giao tiếp cơ bản để trao đổi nhiều hơn với người bản xứ.
- Tiền tip: Ở Nhật Bản, đưa tiền tiếp là một hành vi không được lịch sử đối với người cung cấp dịch vụ, nên khi du lịch tự túc bạn đừng để lại tiền thừa hoặc tiền tip khi sử dụng dịch vụ nhé!
- Xếp hàng ở nơi công cộng: Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng văn minh với văn hóa xếp hàng tại ga tàu hoặc khu mua sắm, việc tôn trọng văn hóa xếp hàng nơi đây thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với người Nhật.
- Tự do trên tàu điện nhưng đừng tạo ra tiếng ồn: Tàu điện là phương tiện công cộng được sử dụng phổ biến của người Nhật. Trên tàu điện bạn có thể tự do làm các công việc các nhân của bạn như trang điểm, nghe nhạc, xem điện thoại nhưng bạn cần giữ gìn trật tự trong không gian chung.
Là một quốc gia được biết đến với nhiều tên gọi mỹ miều như “Đất nước Mặt trời mọc”, “Xứ sở Hoa anh đào”, “Xứ sở Phù Tang” hay “Đất nước hoa cúc”, từ lâu Nhật Bản đã là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn các tín đồ xê dịch trên toàn thế giới.
Đất nước hoa anh đào nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp cùng nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc, luôn là một trong những điểm đến tốp đầu được khách du lịch khắp nơi trên thế giới yêu thích. Mùa hè này, hãy thưởng cho bản thân một chuyến du lịch Nhật Bản, chắc chắn sẽ đem tới cho bạn những trải nghiệm thực sự tuyệt vời.