NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI BAY TRANSIT

Đăng ngày : 2019-11-15 15:44:09

Bay transit là gì

Bay quá cảnh hay nối chuyến (transit) là chuyến bay có ít nhất 2 chặng, nghĩa là để tới được điểm đến cuối cùng, bạn cần phải dừng ở ít nhất một điểm giữa đường. Ví dụ, bay từ Hà Nội đến Bali, bạn phải transit ở Kuala Lumpur hoặc Singapore.

Nhiều điểm đến không có đường bay thẳng, hành khách buộc phải bay transit qua điểm trung chuyển. Tuy nhiên, nhiều người cũng chủ động chọn bay transit vì chi phí thường thấp hơn bay thẳng. Bạn có thể transit của cùng một hãng hoặc đặt của các hãng khác nhau, tùy từng trường hợp. Trong đó, transit cùng một hãng sẽ tiện hơn vì hành lý ký gửi thường sẽ tự động chuyển tiếp.

Bay transit thường rẻ hơn so với bay thẳng. Ảnh: Shutterstock

Bay transit thường rẻ hơn so với bay thẳng. Ảnh: Shutterstock

Thời gian transit tối thiểu

Bạn có thể chọn chuyến bay kế tiếp tùy theo lựa chọn sẵn có và nhu cầu của bản thân. Không nên chọn thời gian quá cảnh quá dài, sẽ gây mệt mỏi. Nhưng bạn cũng lưu ý về thời gian tối thiểu. Tốt nhất không nên chọn chuyến bay kế tiếp sau ít hơn 2 giờ. Ít hơn quãng thời gian này, nhiều khả năng bất trắc có thể xảy ra.

Thông thường, bạn cần có mặt trước ít nhất từ 45 phút đến một giờ trước chuyến bay kế tiếp. Trừ đi thời gian di chuyển, tìm cửa lên máy bay thì 2 giờ là khoảng thời gian thích hợp nhất. Đừng quên, nhiều sân bay rất rộng như Suvarnabhumi (Thái Lan), Hong Kong, Changi (Singapore)… Đó là chưa kể việc chuyến bay trước có thể bị delay, ảnh hưởng đến thời gian của chuyến sau. Từ 2 đến 5 giờ là quãng thời gian transit hợp lý. Nếu bay transit dài, bạn nên chọn qua đêm để cảm giác thời gian trôi nhanh hơn.

Nên làm gì khi transit

- Việc đầu tiên cần làm khi xuống sân bay là tìm hiểu xem sân bay này có yêu cầu hành khách nhập cảnh rồi xuất cảnh ngược trở lại hay không, hay chỉ cần đi trong khu vực transit là được. Thông thường, sân bay sẽ có 2 lối, một dành cho Transit (hành khách quá cảnh) và một dành cho Immigration (hành khách nhập cảnh). Nếu không có đường transit nghĩa là bạn cần phải nhập cảnh.

- Tiếp theo, hãy vặn đồng hồ theo giờ địa phương để không bị nhầm lẫn thời gian.

- Tìm đến các bảng điện tử để tìm hiểu chuyến bay tiếp theo của mình sẽ lên ở cửa nào, liệu có cần đổi ga hay không.

Nếu quá cảnh ngắn

Tới nơi mà còn nhiều thời gian, hãy tranh thủ đi vệ sinh và ăn uống. Vì khi lên máy bay, giá đồ ăn sẽ cao hơn khi mua ở nhà ga. Đừng quên mang các thiết bị giải trí như điện thoại, máy tính bảng, laptop… và các loại sạc, sạc dự phòng… Đọc một quyển sách cũng là ý hay.

- Đặt báo thức về giờ lên máy bay, ngay cả khi không ngủ, vì mải nói chuyện hoặc giải trí rất dễ khiến bạn quên giờ bay tiếp theo.

Quầy thủ tục transit ở sân bay Nội Bài

Quầy thủ tục transit ở sân bay Nội Bài

Nếu quá cảnh qua đêm

- Bạn có thể tìm nhà nghỉ dạng capsule (con nhộng) ngay trong sân bay. Nếu có thể nhập cảnh (có visa hoặc đến các quốc gia miễn visa cho khách Việt), bạn có thể tìm các khách sạn gần sân bay cho thoải mái, an toàn.

- Bạn cũng có thể ngả lưng, chợp mắt ở sân bay nhưng nên nhớ phải bảo quản hành lý thật tốt. Nên chọn chỗ sáng đèn, nhiều người qua lại. Túi xách đựng tiền và hộ chiếu phải đeo trên người. Hành lý đắt tiền có thể để trong balo và dùng làm gối đầu cho an toàn.

- Ngoài ra, hãy nhớ mang theo áo khoác hoặc chăn mỏng vì nhiệt độ sân bay ban đêm khá lạnh.

- Mang theo đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải, kem đánh răng…

Bị lỡ chuyến bay transit

Đây là ác mộng của bất kỳ hành khách quá cảnh nào. Nếu xảy ra trường hợp này, bạn cũng không nên quá bi quan. Hãy liên lạc với nhân viên sân bay, nhân viên hãng hàng không để mua vé cho chuyến bay gần nhất.